Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh Đền Bà chúa tại thôn Thọ Sơn, xã Cẩm Sơn
DI TÍCH ĐỀN BÀ CHÚA - XÃ CẨM SƠN
Thuộc địa bàn thôn 9 ( nay là thôn Thọ Sơn) xã Cẩm Sơn
Vào đời Nhà Lý khung cảnh ở đây là rừng núi rất âm u, rậm rạp nơi đây có dòng suối chảy xiết theo Sông Lệ Quèn. Theo Lệnh của Nhà Vua bà theo một Nhà Địa lý người Tàu (Trung Quốc) cắm mốc phân định ranh giới địa lý và lấy 7 vị cung cảnh thành hoàng để thờ phụng và khai đất, vở hoang. Trong một trận lũ lụt, một người dân đi vớt củi trên sông gặp nạn, bà đã liều mình ra cứu người nên bà bị nước lũ cuốn chết. Sau khi bà mất nhân dân đã lập bàn thờ để thắp hương và thờ phụng bà. Sau một thời gian nhận thấy linh hồn bà linh thiêng phù hộ cho dân làng, để cầu mong sự che chở mang lại bình yên trong cuộc sống, làm ăn gặp may mắn và thịnh vượng nhân dân đã đóng góp xây dựng Đền để làm nơi thờ tự và từ đó gọi Đền là Đền Bà Chúa. Năm thứ 9 đời vua Khải Định nhận thấy công lao của bà với vùng đất Am Thị và sự linh thiêng của Đền nên đã ban sắc Phong cho Bà là “Tỉnh Hầu Trung Đẳng Thần” và cho nhân dân cứ thế mà thờ phụng từ đó tên bình phong là Trung Thần Nữ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Đền trở thành nơi Huấn luyện dân quân du kích của quân và dân ta, hàng trăm bộ đội đã tập kết về đây để huấn luyện cho hàng ngàn lượt dân quân du kích trong xã, nơi đây cũng đã diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các đòan văn công phục vụ bộ đội và nhân dân trong vùng. Hiện nay vẫn còn dấu tích của hệ thống hào đào để huấn luyện xung quanh Đền. Ngoài ra Đền còn được dùng làm trường học cho các em trong xã từ năm 1965 đến năm 1969.
Trong thời gian này do chủ trương bài phong, bài thần nên Đền không được chăm sóc, thờ phụng nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1996, Hội người cao tuổi thôn 7,8,9,10 (Làng Am Thị) chủ trì đứng ra kêu gọi sự đóng góp ủng hộ của nhân dân địa phương và con em xa quê để tôn tạo lại ngôi Đền.
Sau khi Đền được tôn tạo mỗi năm Đền đón hàng ngàn lượt khách đến thắp hương và phúng viếng. Ngôi Đền trở thành địa chỉ tâm linh của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận.
Với ý nghĩa lịch sử và tâm linh Đền đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2016.