Phòng chống cháy rừng mùa khô
Dự báo, năm 2022 và những năm tới, nắng nóng sẽ gia tăng về cường độ, nhiều nơi nắng nóng gay gắt, miền núi có nơi đặc biệt gay gắt. Trước tình hình đó, các địa phương, ngành chức năng, chủ rừng đã chủ động phương án “4 tại chỗ”, phát huy trách nhiệm, ý thức của cộng đồng dân cư để thực hiện hiệu quả công tác PCCCR.
Hà Tĩnh có 359.853 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố, trong đó đất có rừng 335.485 ha, đất chưa có rừng 24.368 ha. Thời điểm này, toàn tỉnh đã giao 324.962 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý (21 chủ rừng tổ chức với diện tích 254.223 ha và gần 25.400 hộ, cộng đồng dân cư với diện tích 70.739 ha); diện tích chưa giao đang do UBND xã quản lý là 34.891 ha.
Như một quy luật khắc nghiệt, cứ vào mùa khô, từ tháng 5 đến hết tháng 9, nỗi lo cháy rừng lại diễn ra ở hầu khắp các địa phương.
Diện tích rừng trọng điểm dễ cháy, có nguy cơ xâm hại cao chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, TX Hồng Lĩnh…
Như một quy luật khắc nghiệt, cứ vào mùa khô, từ tháng 5 đến hết tháng 9, nỗi lo cháy rừng lại diễn ra tại hầu khắp các địa phương ở Hà Tĩnh. Thời tiết mùa hè năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp khi theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, năm 2022 sẽ có khoảng 9-10 đợt nắng nóng, nhiều hơn năm 2021 từ 1-2 đợt. Công tác PCCCR vì thế sẽ còn nhiều khó khăn, vất vả và không loại trừ khả năng xảy ra các vụ cháy lớn.
Những năm qua, nhiều vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn Hương Sơn, Nghi Xuân, Can Lộc… hầu hết nguyên nhân xuất phát từ việc người dân bất cẩn hoặc thiếu ý thức gây ra. Trước tình hình đó, các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã đã phối hợp với đơn vị kiểm lâm địa phương tập trung cao cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những hành vi gây nguy cơ cháy rừng cao.
UBND các cấp ở Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chủ rừng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông kịp thời tuyên truyền quy định của pháp luật, hoạt động của các cấp, ngành trong công tác bảo vệ rừng (BVR) - PCCCR. Sử dụng hệ thống truyền thanh, truyền hình các huyện, thị và các xã, phường thường xuyên thông báo quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về BVR-PCCCR, cấp cảnh báo cháy rừng…; tổ chức tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp (thôn Yên Trung, xã Sơn Trung, Hương Sơn) cho hay: “Thôn chúng tôi có nhiều hộ dân sinh sống gần bìa rừng. Qua vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn năm 2019 do người dân bất cẩn đốt dọn thực bì, chúng tôi đã được tuyên truyền rút kinh nghiệm. Từ đó, bà con luôn chú ý nhắc nhở, giám sát nhau trong việc dọn vườn đốt rác, đặc biệt trong mùa nắng nóng, qua đó bảo vệ rừng ngay từ các khu dân cư”.
Các hạt kiểm lâm bố trí cán bộ theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng, thường xuyên cùng với lực lượng địa phương, chủ rừng, người dân tuần tra, kiểm soát PCCCR trong những ngày nắng nóng. Xây dựng phương án tổ chức, chỉ huy và điều động lực lượng, nòng cốt là quân đội, bộ đội biên phòng, công an, đặc biệt là chủ rừng... cùng với các dụng cụ, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra. Duy trì chế độ thường trực 24/24h trong suốt thời gian cao điểm nắng nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phá rừng, cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Trần Văn Minh (SN 1956, thôn 5, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) cho hay: “Gia đình tôi có nhận khoán 40 ha rừng. Ở khu vực rừng gia đình nằm gần kề nghĩa trang của địa phương nên thường xuyên có người lui tới thắp hương, đốt vàng mã, nhất là vào ngày mùng 1 và ngày rằm, mà trong thời điểm nắng nóng gay gắt thế này, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ có thể gây cháy rừng. Để đề phòng nguy cơ cháy, ngày nào tôi cũng đi kiểm tra khu vực rừng quản lý và xung quanh nghĩa trang, dùng nước dập tắt hẳn những điểm đốt vàng mã lửa còn âm ỉ”.
Hoạt động PCCCR ở Hà Tĩnh đã, đang được các cấp, ngành cùng các chủ rừng tập trung cao độ. Tuy nhiên, “cuộc chiến” này đang còn tiềm ẩn phức tạp, không thể chủ quan. Các địa phương, ngành chức năng, chủ rừng và mỗi người dân bằng trách nhiệm của mình hãy luôn xem công tác BVR-PCCCR là trách nhiệm của toàn dân.
(Trích một phần của Báo Hà Tĩnh)